Làm xong cái website, đương nhiên là phải cái domain và hosting để up cái website lên. Nhà cung cấp hosting thì nhiều vô kể, thượng vàng hạ cám. Nếu không phải dân trong nghề rất khó phân biệt được đâu là thật đâu là dỏm.
Điểm mặt chỉ tên, tôi không dám. Đụng chạm tới thương hiệu của công ty khác chẳng phải hay ho gì. Bản thân công ty tôi cũng là nhà cung cấp hosting lởm, :D. Vì đơn giản, chúng tôi không chính thức cung cấp Hosting mà chỉ chuyên về thiết kế website. Khách hàng làm web thường có nhu cầu nhờ bên tôi quản lý hosting luôn, nên từ đó chúng tôi đi đặt lại hosting bên các nhà cung cấp khác.
Tìm kiếm nhà cung cấp hosting không đơn giản.
Sau một thời gian làm việc. Kết luận, chả có nhà cung cấp nào là ngon, chả có hosting nào là tốt nhất. Nếu muốn tìm kiếm một nơi nương tựa cho trang web, thì chúng ta nên tìm kiếm sự phù hợp hơn là cái “the best”. Tôi liệt kê ra một số tiêu chí để các bạn lựa chọn nhà cung cấp hosting cho phù hợp. Chứ thiết kế website xong, mà upload lên cái host dởm thì đúng là ôm hận.
Loại 1: Nhà cung cấp hosting nước ngoài. Chúng ta thường nghe đến Godaddy như những nhà cung cấp hosting bậc nhất thế giới. Đúng, điều đó không ai phủ nhận. Nó phù hợp hoàn toàn đối với dự án tầm cỡ quốc tế. Thế nhưng đối với Việt Nam thì khác. Tôi đã từng làm việc với khá nhiều khách hàng từ Australia, Pháp và Mỹ. Hosting Godaddy đường truyền từ Việt Nam đến khá chậm. Nếu thị trường chúng ta là ở Việt Nam thì hoàn toàn không nên sử dụng hosting nước ngoài. Chậm lắm. (Có lẽ do cơ sở hạ tầng tại VN không tốt). Thứ đến phải kể là việc quản trị, nếu không rành IT, khó mà có thể hiểu sử dụng hosting này. Tiếp đến là support, ở quá xa, việc support gần như chỉ qua email nhưng đợi phản hồi khá lâu. Có khi mất 3 ngày !
Tóm lại, Bạn chỉ sử dụng hosting nước ngoài khi dự án của bạn có độ phủ quốc tế và bạn phải rành về IT hoặc ít nhất có người nào đó bên cạnh am hiểu kỹ thuật.
Loại 2: Siêu rẻ, siêu băng thông, siêu lưu trữ ….siêu dỏm. @_@. Không phải vô cớ mà đạo phật có câu “sắc sắc không không“. Có lẽ áp dụng hoàn toàn cho những nhà cung cấp loại này. Cái gì cũng tốt, cái gì cũng siêu nghĩa là chả có cái gì cả. Bạn nên nhở, chả có cái gì siêu mà rẻ. Nếu bạn không muốn trả bằng tiền, thì chịu khó trả giá bằng xương máu. Ham rẻ thì chết. Bài học muôn đời mà có người học mãi không thông!
Loại 3: Thiết kế web 500k, 1 triệu… tặng tên miền tặng hosting chất lượng cao. Đây là thể loại biến thái từ hình thức 2. Cũng chung một ruột mà ra.
Vì sao loại hình 2+3 có thể rẻ đến vậy. Đơn giản thôi, họ không phải tốn chi phí server, hay bản quyền, nơi lưu trữ data store. Dùng một cái máy tính để bàn, làm host cũng được, thôi dùng laptop cũng không sao. Để rồi cúp điện một phát, hàng loạt website die theo. Khi chúng ta gọi tới phàn nàn thì nghe là bảo trì server, lỗi kỹ thuật hoặc tệ hơn là không nghe máy….
Tóm lại, ham rẻ mà lựa chọn những công ty loại này thì lúc gặp sự cố. Các bạn nên bình tĩnh suy xét lại lỗi do ai. Do nhà cung cấp hay do bạn ham rẻ ? “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Loại 4: Loại trừ các loại trên ra, loại này thôi xài cũng được. Các bạn tìm hiểu một số công ty cung cấp hosting lớn tại Việt Nam. Có thể là FPT, VDC, PAVN, Mắt Bão….Khó có thể nói là tốt toàn diện, nhưng ít ra sự phục vụ của họ cũng tận tình. Lâu lâu cũng có trục trặc nhưng biết làm sao ?
Loại này thì chi phí hơi cao. Nếu website bạn là website doanh nghiệp thì thuê cái host tầm 2 triệu / năm là đủ. Còn nếu làm website bán hàng thì thuê 4 triệu / năm cho nó ngon. Cao hơn nữa khi dự án thương mại điện tử của bạn thành công thì thuê cái VPS ảo.
Loại 5: Thuê hosting tại Khải Nguyên :D. Chúng tôi không cung cấp hosting chính thức. Mà đi đặt lại một bên khác. Tuy nhiên chúng tôi sẽ dễ dàng trao đổi kỹ thuật với bên nhà cung cấp hơn. Ah mà quên, chỉ khi nào thiết kế website tại Khải Nguyên, chúng tôi mới thầu luôn hosting. Lý do cũng đơn giản, vì việc làm “môi giới” hosting cũng không lời. Mà khi bên cung cấp hosting có gì trục trặc, lại nghe than phiền. 🙂
Những gì tôi muốn nói tại đề tài này cũng nói hết rồi. Việc lựa chọn nhà cung cấp hosting nào thì tùy các bạn. Hosting ở Việt Nam cũng như đường truyền internet vậy, lúc thì tốt lúc thì chập chờn. Nhưng chúng ta vẫn chấp nhận nó. Vấn đề ở đây là giới hạn của giới hạn con người. Hope this help !